Trang chủ » Tuyển sinh » Học Kỹ thuật Xây dựng ra trường làm gì?
Học Kỹ thuật Xây dựng ra trường làm gì?
Ngành kỹ thuật xây dựng là ngành học đào tạo ra các kỹ sư xây dựng có khả năng tư vấn, thực thi, giám sát, thiết kế và nghiệm thu công trình. Trong đó bao gồm các công trình của nhà nước như đường cầu, các cơ sở vật chất công cộng. Ngoài ra kỹ sư xây dựng còn làm các công trình cho doanh nghiệp cá nhân
Ngành kỹ thuật xây dựng: Học gì, học ở đâu và cơ hội nghề nghiệp
Xây dựng là một hoạt động quan trọng cho đời sống và sự phát triển của con người trên toàn cầu. Không thể xây cầu, đường, hầm hay bất kỳ loại cơ sở hạ tầng nào nếu không có đội ngũ kỹ sư xây dựng có trình độ chuyên môn. Nếu bạn có đam mê với các công trình dân dụng và khao khát tạo nên dấu ấn trong xu thế đô thị hóa thì ngành kỹ thuật xây dựng là sự lựa chọn hoàn hảo. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích bạn cần biết trước khi quyết định theo đuổi ngành kỹ thuật xây dựng!
Kỹ thuật xây dựng là gì?
Kỹ thuật xây dựng bao gồm tư vấn, thiết kế, tổ chức thi công, quản lý, giám sát và nghiệm thu các công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn nhằm phục vụ đời sống và nhu cầu của người dân như: nhà ở, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, cầu đường…
Ngoài ra, ngành kỹ thuật xây dựng nắm giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy sự phát triển cho các ngành kinh tế và tạo nên một hệ thống tài sản cố định. Chúng ta có thể đánh giá sự phát triển của một đất nước bằng cách nhìn vào cơ sở hạ tầng và công trình đô thị ở nơi đó.
Học gì trong ngành kỹ thuật xây dựng?
Bằng kỹ sư xây dựng bậc cử nhân có thời gian học từ 4 - 4,5 năm đối với chương trình đại học chính quy. Nếu bạn tiếp tục theo đuổi bằng thạc sĩ thì sẽ cần thêm khoảng 2 năm. Trong những năm đầu tiên, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết của một kỹ sư nói chung và kiến thức chuyên ngành cơ sở của một kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp nói riêng như:
● Kiến thức về các phần mềm thiết kế trong xây dựng, toán ứng dụng
● Kiến thức cơ sở ngành như: Hình học, sức bền vật liệu, địa chất
● Kết cấu xây dựng: kết cấu bê tông, kết cấu thép,...
● Trắc địa (đo đạc nhằm xác định kích thước và phương hướng của địa vật)
● Thủy lực (kỹ thuật nghiên cứu sự vận chuyển lực của nước và các chất lỏng khác)
● Kiểm tra chất lượng vật liệu, chất lượng công trình
● Xử lý nền móng, xử lý gia cố công trình
Nhờ đó, sinh viên sẽ đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu trong xây dựng và quản lý, đồng thời có khả năng tiếp thu và chuyển giao các công nghệ mới. Đặc biệt vào những năm học giữa và cuối chương trình đào tạo, sinh viên sẽ lựa chọn chuyên ngành để xác định nghề nghiệp tương tai. Dưới đây là một số chuyên ngành phổ biến:
● Kỹ thuật xây dựng
● Kỹ thuật xây dựng công trình thuỷ
● Kỹ thuật xây dựng công trình biển
● Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông
● Kỹ thuật cơ sở hạ tầng
● Địa kỹ thuật xây dựng
● Kỹ thuật tài nguyên nước
● Kỹ thuật cấp thoát nước
● Kinh tế xây dựng
● Quản lý xây dựng
Kết thúc các môn học trên lớp, sinh viên sẽ tham gia thực tập để hoàn thành khóa học, đây là học phần giúp các bạn tiếp xúc trực tiếp với công trình và dự án thi công, và có giá trị lớn cho đồ án tốt nghiệp.
Học kỹ thuật xây dựng ở đâu?
Việc lựa chọn trường học ngành kỹ thuật xây dựng hiện nay cũng giống như “chọn mặt gửi vàng” vì bạn cần xem xét khả năng nghề nghiệp sau khi ra trường và chi phí bỏ ra trong suốt 4 năm học đại học. Ở Việt Nam, các trường đại học có kinh nghiệm và thâm niên trong đào tạo lĩnh vực kỹ thuật xây dựng trải dài từ miền Bắc, miền Trung-Tây Nguyên đến miền Nam, chẳng hạn như: Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Đại học Bách khoa, Thủy lợi, Địa - Mỏ, Đại học Vinh.
Tốt nghiệp ngành kỹ thuật xây dựng ra trường làm gì?
Kỹ thuật xây dựng là ngành có xu hướng nghề nghiệp tỷ lệ thuận với sự phát triển của xã hội. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, xã hội sẽ luôn cần một lượng lớn kỹ sư xây dựng làm việc cho các công trình, cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong tương lai. Nghề xây dựng nói chung rất “đắt hàng” bởi cung không đủ cầu và mức lương hấp dẫn.
Tốt nghiệp ngành kỹ thuật xây dựng, sinh viên có khả năng “bén duyên” với những nghề nghiệp trong lĩnh vực như:
● Tư vấn viên thiết kế, thi công xây dựng, dự toán, thẩm định, nghiệm thu công trình
● Kỹ sư xây dựng - thi công tại các công ty, phân xưởng, nhà máy
● Giám sát, quản lý thi công và chất lượng dự án xây dựng
● Giảng viên dạy ngành kỹ thuật xây dựng
Có thể nói môi trường làm việc của ngành kỹ thuật xây dựng khá đa dạng. Riêng đối với vị trí kỹ sư xây dựng, không gian làm việc được chia thành 3 nhóm, bao gồm:
● Ngoài công trường, công việc là trực tiếp thi công, giám sát, thẩm định đến nghiệm thu các công trình xây dựng
● Trong công xưởng, công việc bao gồm các công tác liên quan đến thiết kế, thi công, quản lý chất lượng trong các công xưởng xây dựng, sản xuất vật liệu
● Trong văn phòng, công việc sẽ liên quan đến công tác thiết kế, dự toán và thẩm tra thiết kế các công trình xây dựng, thường phổ biến với các bạn theo chuyên ngành Quản lý xây dựng
Những tố chất cần có để theo đuổi ngành kỹ thuật xây dựng
Học tốt các môn tự nhiên, có khả năng tính toán logic
Sở trường thiên về các môn tự nhiên tạo cho bạn khả năng tính toán, đo lường, xử lý thông tin mạch lạc, nhờ đó dễ dàng lập dự toán, thiết kế kỹ thuật. Ngành kỹ thuật xây dựng đòi hỏi về độ chính xác, tỉ mỉ trong việc thẩm tra các thiết kế nên học tốt các môn khoa học tự nhiên sẽ là lợi thế rất lớn. Và công việc sẽ càng thuận lợi hơn nếu bạn là người nhanh nhạy, năng động và có tư duy logic tốt.
Am hiểu về văn hóa - địa lý là một thế mạnh
Sự hiểu biết về văn hóa - địa lý sẽ mang đến cho các công trình bản sắc riêng nhưng vẫn phù hợp với khí hậu và địa hình để có tuổi thọ bền bỉ. Bạn nên nương theo các nét văn hóa riêng biệt của mỗi đất nước, vùng miền để kiến tạo nên những công trình xây dựng phù hợp. Không ngừng trau dồi mảng kiến thức này sẽ giúp bạn nâng cao được năng lực chuyên môn và uy tín trong ngành.
Có sức khỏe tốt
Cụm từ “xây dựng” cũng phần nào cho thấy rằng lĩnh vực này sẽ sẽ yêu cầu thể lực tốt, nhất là với những bạn chọn làm việc ở công trường hay công xưởng. Phần lớn thời gian bạn sẽ làm việc ngoài trời cùng với đồng đội để đảm bảo dự án thi công đúng tiến độ bất kể thời tiết nắng gắt hay mưa to. Để có thể thích ứng với môi trường làm việc có nhiều đặc thù như vậy thì bạn nên chủ động rèn luyện thể lực và chuẩn bị tinh thần phải chịu khó lăn xả trong nghề.